“Định khung” trong vụ việc có nhiều căn cứ xác định khung hình phạt
Những điểm mới xuất phát từ quy định:
Trong quá trình xử lý vụ việc vi phạm hành chính, sau khi xác định được hành vi vi phạm hành chính, việc xác định khung hình phạt (“định khung”) làm căn cứ ban hành quyết định xử phạt là một khâu hết sức quan trọng, từ đó xác định chế tài xử lý, răn đe đối tượng vi phạm; đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.
Đối với các hành vi vi phạm có hàng hóa vi phạm, các Nghị định quy định xử phạt thường được thiết kế các điểm, khoản với khung xử phạt khác nhau dựa theo giá trị, số lượng, khối lượng tang vật vi phạm.
Trong thời gian gần đây, một số Nghị định quy định xử phạt được thiết kế theo hướng có nhiều căn cứ định khung, điển hình là Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ). Ví dụ:
“Điều 9. Hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng
1. Đối với hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 7 Điều 3 của Nghị định này, mức phạt tiền như sau:
…b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;…”.
c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;…”
Với quy định như trên, việc xác định hành vi vi phạm hành chính thuộc điểm b khoản 1 Điều 9 dựa vào 2 căn cứ:
Thứ nhất, trị giá từ 3 đến 5 triệu đồng.
Thứ hai, thu lợi bất hợp pháp từ 5 đến dưới 10 triệu đồng.
Quy định này mang tính “mở” và đảm bảo tính bao quát khi xác định khung xử phạt. Tuy nhiên, cũng từ đó phát sinh vướng mắc trong thực tế, khi vụ việc vừa có hàng hóa vi phạm và vừa có thu lợi bất hợp pháp nhưng ngưỡng giá trị nằm ở các “khung” khác nhau.
Vấn đề nảy sinh:
Vụ việc có hàng hóa vi phạm thuộc điểm c khoản 1 Điều 9 nhưng số lợi bất hợp pháp thu được thuộc điểm b khoản 1 Điều 9 hoặc ngược lại.
Ví dụ 1: Vụ việc xác định hàng hóa vi phạm là 9 triệu đồng, thu lợi bất hợp pháp 6 triệu đồng.
- Trị giá hàng hóa vi phạm là 9 triệu đồng (thuộc điểm c).
- Số lợi bất hợp pháp thu được 6 triệu đồng (thuộc điểm b).
Ví dụ 2: Vụ việc xác định hàng hóa vi phạm là 4,5 triệu đồng, thu lợi bất hợp pháp 11 triệu đồng.
- Trị giá hàng hóa vi phạm 4,5 triệu đồng (thuộc điểm b).
- Số lợi bất hợp pháp thu được 11 triệu đồng (thuộc điểm c).
Như vậy, các căn cứ định khung không dẫn đến một kết quả thống nhất.
Những quy định tương tự tại Bộ Luật hình sự:
Nếu như trong hành chính, các quy định với nhiều căn cứ định khung song song mới xuất hiện và chưa phổ biến thì trong hình sự, cách tiếp cận này đã tồn tại khá lâu trước đây. Ví dụ tại Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2018):
“Điều 188. Tội buôn lậu
….3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;…”
Như vậy, việc định khung đối với tội buôn lậu cũng có thể được dựa vào giá trị “vật phạm pháp” hoặc số tiền “thu lợi bất chính”. Cách quy định này cũng hoàn toàn có thể xảy ra những tình huống không thống nhất như trên đã phân tích.
Đi tìm câu trả lời:
Các quy định xử lý vi phạm hành chính hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về việc định khung trong trường hợp các căn cứ dẫn tới các khung xử lý khác nhau.
Tham khảo thực tiễn trong hoạt động tố tụng, tư pháp và văn bản số 233/TANDTC-PC ngày 01 tháng 10 năm 2019 của Tòa án nhân dân tối cao thì “trường hợp thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn”.
Do đó, theo quan điểm của tác giả, việc hành vi vi phạm có 2 căn cứ định khung, nếu 1 căn cứ ở khung xử lý thấp và 1 căn cứ ở khung có mức xử lý cao hơn, thì việc áp dụng khung xử lý ở mức cao hơn là phù hợp, đảm bảo đúng với tính chất, mức độ, quy mô và hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.
Trong thời gian tới, rất cần có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo tính thống nhất trong thực thi, áp dụng của các cơ quan chức năng.