Quản lý tốt địa bàn, xử lý nhiều vụ việc “điểm”, thu ngân sách cao
Quản lý tốt địa bàn:
Quản lý địa bàn là nhiệm vụ thường xuyên của Quản lý thị trường nhằm nắm bắt tình hình hoạt đông thương mại, công nghiệp trên địa bàn được phân công về số lượng, tình hình diễn biến thị trường, dấu hiệu vi phạm, phương thức thủ đoạn vi phạm của các tổ chức, cá nhân; là một hình thức phối hợp chặt chẽ với cơ quan kiểm tra, kiểm soát và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan nhằm quản lý tốt các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và hoạt động thương mại trên địa bàn. Hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm của Quản lý thị trường luôn gắn với địa bàn, chủ yếu dựa vào thông tin về vi phạm, dấu hiệu vi phạm trên cơ sở công tác quản quản lý địa bàn.
Nhận thức được tầm quan trọng của quản lý địa bàn, từ nhiều năm nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tập trung chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường thường xuyên cập nhật thông tin, tổng hợp cơ sở dữ liệu thống kê, điều tra cơ bản, phân loại đối với các đối tượng của hoạt động quản lý địa bàn theo các tiêu chí cụ thể; kiểm tra, đối chiếu số liệu tình trạng hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trên địa bàn sau khi được cấp phép kinh doanh và việc duy trì các điều kiện phải thực hiện khi kinh doanh; tổng hợp và phản ánh kịp thời diễn biến bất thường của thị trường, giá cả đối với các mặt hàng thiết yếu tại địa bàn quản lý đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý; đề xuất các biện pháp về công tác quản lý hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn; xây dựng, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu thông tin về quản lý địa bàn trên Hệ thống INS. Công tác quản lý địa bàn được thực hiện lồng ghép với tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan, cập nhật thường xuyên việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại cho tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Xử lý nhiều vụ việc điểm:
Nhờ quản lý tốt, nắm chắc địa bàn, các Đội Quản lý thị trường đã phát hiện, kiểm tra hàng chục vụ việc trọng điểm, điển hình về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ…; trong đó có 03 vụ việc chuyển cơ quan công an điều tra, đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, 01 vụ việc đã đưa ra xét xử. Có thể điểm ra một số vụ việc như:
- Vụ việc kiểm tra hộ kinh doanh Gia Hưng may, gia công hàng may mặc gia công hàng hoá mang nhãn hiệu giả mạo. Hàng hóa, tang vật vi phạm gồm 1.713 chiếc áo khoác nam thành phẩm hoàn chỉnh mang dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu có trị giá trên 500 triệu đồng cùng nhiều nguyên phụ liệu, máy móc, bán thành phẩm. Vụ việc đã được bàn giao cho cơ quan Công an huyện Thanh Miện điều tra, khởi tố và đã đưa ra xét xử theo Điều 226 Bộ Luật hình sự.
Máy móc thu giữ hiện trường vụ việc
- Vụ việc kiểm tra hộ kinh doanh do bà Nguyễn Thị Liên sản xuất, kinh doanh trên 2.000 lọ (hộp) mỹ phẩm các loại, 1.980 thỏi son cùng nhiều nguyên liệu, dụng cụ, máy móc, vỏ lọ, vỏ bao bì, tem, hướng dẫn sử dụng sản phẩm, phiếu bảo hành sản phẩm… giả mạo nhãn, bao bì hàng hóa. Tổng giá trị hàng hóa có dấu hiệu vi phạm theo trị giá hàng thật là: 267.380.000 đồng. Vụ việc đã được bàn giao cho Công an thị xã Kinh môn để điều tra và đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Kiểm đếm mỹ phẩm giả tại hiện trường
- Vụ việc kiểm tra Công ty TNHH NVT Tiến Thành sản xuất, kinh doanh hàng giả là thức ăn chăn nuôi. Tang vật vi phạm gồm 14.100 kg cám mỳ thành phẩm trị giá hàng hóa vi phạm 104.340.000 đồng; nguyên liệu được sử dụng để sản xuất hàng giả gồm: 31.100 kg cám mỳ; 5.500 kg bột đá; phương tiện, máy móc được sử dụng để sản xuất hàng giả gồm: 01 máy trộn, 01 cân điện tử, 01 máy khâu cầm tay chạy điện… Vụ việc đã được bàn giao cho Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh để điều tra về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi” quy định tại Điều 195 Bộ Luật hình sự.
- 02 vụ việc kiểm tra phương tiện vận tải vận chuyển sản phẩm động vật (vỏ lòng non, mỡ lợn) không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử phạt 24 triệu đồng, buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm.
Tiêu hủy hơn 1 tấn vỏ lòng non không rõ nguồn gốc xuất xứ, bốc mùi, biến chất
- Vụ việc kiểm tra hộ kinh doanh Nguyễn Mạnh Chiển kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là quần áo các loại, phạt tiền 45 triệu đồng, tịch thu 14.000 sản phẩm hàng hóa vi phạm trị giá 615.000.000 đồng.
Kiểm đếm, phân loại quần áo không rõ nguồn gốc, xuất xứ
- Vụ việc kiểm tra Công ty TNHH Một thành viên Vật tư xăng dầu Hải Hà bán hàng hóa là xăng dầu cao hơn giá niêm yết phạt tiền 82.500.000 đồng, buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết.
Ngoài ra, còn xử lý hàng chục vụ việc hàng hóa vi phạm là hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ với trị giá hàng hóa vi phạm mỗi vụ việc hàng trăm triệu đồng.
Thu ngân sách cao:
Nhờ nắm chắc địa bàn; bám sát chỉ đạo của cấp trên; chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra định kỳ, kiểm tra chuyên đề, kế hoạch cao điểm; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, tác nghiệp; làm tốt công tác phối hợp. Năm 2022, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương đã thực hiện kiểm tra 707 vụ, xử lý 530 vụ việc (hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ 40; vi phạm giá 309; vi phạm nhãn hàng hóa 7; vi phạm đăng ký kinh doanh, vi phạm điều kiện kinh doanh 37; vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm 99…).
Tổng trị giá thu phạt vi phạm hành chính và bán hàng tịch thu 11.521.750.000 đồng (thu phạt hành chính 2.280.550.000 đồng; bán hàng tịch thu 9.241.200.000 đồng); thu hồi số thu lợi bất hợp pháp 31.306.000 đồng; hàng hóa tịch thu là hàng giả, hàng cấm… thuộc diện phải tiêu hủy trị giá hàng tỷ đồng.
Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương tiếp tục bám sát diễn biến tình hình thị trường; chỉ đạo của cấp trên; nâng cao vai trò của Cơ quan Thường Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, làm tốt công tác phối hợp liên ngành; triển khai có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc địa bàn, cung tuyến, quy luật hoạt động, tăng cường kiểm tra đột xuất để phát hiện, ngặn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm diễn ra trên thị trường.