Nâng cao hiệu quả kiểm tra (phần 1): Nhận diện đúng vai trò của Phương án kiểm tra
Trong quy trình kiểm tra, quy định về xây dựng Phương án kiểm tra đột xuất dự liệu hành vi vi phạm, văn bản áp dụng, các tình huống phát sinh, các điều kiện về phương tiện, cơ sở vật chất, nhân lực... nhằm bảo đảm việc kiểm tra đúng pháp luật và có hiệu quả.
Mặc dù mục đích của xây dựng, ban hành phương án kiểm tra để việc tổ chức thực hiện được hiệu quả và đúng pháp luật, tuy nhiên trên thực tế đây là hoạt động chưa được quan tâm đúng mức, thường được thực hiện một cách hình thức, chiếu lệ để đảm bảo quy trình. Điều này dẫn đến hậu quả với những vụ việc phức tạp hoặc có tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện thì Đoàn kiểm tra bị động, lúng túng, không có cách thức xử lý phù hợp, hiệu quả; nhiều trường hợp hoạt động kiểm tra rơi vào bế tắc, rủi ro pháp lý cao.
Vì vậy, cần nhận thức đúng, đủ vai trò của Phương án kiểm tra đột xuất. Trong xây dựng, ban hành phương án kiểm tra cần lưu ý các nội dung sau:
1. Xác định hành vi vi phạm hành chính dự kiến và văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng
Xuất phát từ khái niệm “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”, để dự liệu hành vi vi phạm cần xác định hành vi đó “vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước” và có “chế tài xử phạt”.
Thực tế, trong kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, trong rất nhiều trường hợp, cơ quan, người có thẩm quyền chỉ rà soát, nghiên cứu các nghị định về xử phạt (chế tài xử phạt) để xác định có hành vi vi phạm hay không làm cơ sở xác định hành vi vi phạm mà không quan tâm tìm hiểu hành vi đó vi phạm quy định quản lý nhà nước nào (văn bản quy định).
Chế tài xử phạt được xây dựng dựa trên nền tảng văn bản quy định, đó là hậu quả pháp lý mà chủ thể phải gánh chịu khi vi phạm phạm quy định quản lý (thông qua hành động hoặc không hành động).
Ví dụ: Việc xử phạt đối với cá nhân hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được xác lập dựa trên quy định về trách nhiệm phải thực hiện đăng ký kinh doanh. Khi cá nhân không thực hiện đăng ký kinh doanh (không hành động - vi phạm quy định quản lý) thì bị áp dụng chế tài xử phạt.
Tuy nhiên, có rất nhiều quy định quản lý không có chế tài xử phạt hoặc quy định quản lý đã thay đổi, văn bản quy định đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế nhưng quy định xử phạt chưa được sửa đổi, bổ sung, thay thế đồng bộ (có chế tài xử phạt nhưng không vi phạm quy định quản lý nhà nước).
Ví dụ: Trường hợp có văn bản quy định nhưng không có chế tài xử phạt tương ứng:
Tại khoản 3 Điều 47 Nghị định 87/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2018 quy định về kinh doanh khí quy định trách nhiệm cơ sở kinh doanh khí: “Phải có đầy đủ quy trình vận hành, quy trình xử lý sự cố và quy định về an toàn được lãnh đạo cơ sở phê duyệt”. Tuy nhiên, hành vi vi phạm quy định này không có chế tài xử phạt tại Nghị định 99/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP) hay bất cứ Nghị định nào khác (tính đến thời điểm hết tháng 10 năm 2022).
Do đó, trong quá trình lập phương án phải rà soát, tổng hợp cả văn bản quy định quản lý nhà nước và văn bản quy định chế tài để xác định hành vi vi phạm và văn bản quy phạm pháp luật áp dụng.
Kiểm tra xăng dầu là hoạt động phức tạp, cần có sự chuẩn bị đầy đủ trước khi thực hiện
2. Dự kiến tình huống phát sinh và biện pháp xử lý
Các tình huống được xây dựng, dự liệu dựa trên tính chất vụ việc, các thông tin thu thập, hành vi vi phạm dự kiến… đảm bảo sát thực tế, có khả năng áp dụng cao và phụ thuộc khá nhiều vào năng lực chuyên môn và kinh nghiệm của người xây dựng phương án.
- Trường hợp vụ việc có hàng hóa vi phạm: Cần xem xét, dự liệu có thực hiện việc tạm giữ hay không. Trường hợp tạm giữ cần chuẩn bị địa điểm tạm giữ phù hợp, đặc biệt là hàng hóa đặc thù như: Dễ cháy nổ (xăng, dầu, LPG, hóa chất…), cồng kềnh hoặc yêu cầu đặc biệt theo tính chất hàng hóa (bảo quản đông lạnh…)…; cách thức niêm phong; cách thức vận chuyển từ nơi kiểm tra về địa điểm tạm giữ; chuẩn bị để địa điểm tạm giữ phù hợp với từng loại hàng hóa đặc thù….
- Trường hợp cần phối hợp, giám định, xác minh, xin ý kiến chuyên môn:
+ Trường hợp phải dừng phương tiện để kiểm tra, khám: Liên hệ, phối hợp với cơ quan Công an để tổ chức thực hiện.
+ Trường hợp cần xác định hàng giả, giả mạo sở hữu trí tuệ: Liên hệ với chủ thể quyền, đại diện chủ thể quyền, đơn vị sản xuất… để xác định tình trạng pháp lý của văn bằng bảo hộ, chủ thể đại diện sở hữu công nghiệp, các thông tin liên quan cũng như phương thức phối hợp…
+ Trường hợp cần giám định sở hữu trí tuệ, xin ý kiến chuyên môn để kết luận yếu tố xâm phạm quyền: Thực hiện lấy mẫu dấu hiệu để giám định, xin ý kiến chuyên môn trước khi triển khai, rút ngắn thời gian thẩm tra, xác minh, tạm giữ…
+ Trường hợp cần giám định, kiểm định: Xác định chỉ tiêu, tiêu chí… giám định; liên hệ với tổ chức giám định được chỉ định để thống nhất phương thức thực hiện cũng như bố trí nhân lực phù hợp.
Rà soát văn bản, xác định quy trình lấy mẫu, biên bản lấy mẫu theo quy định chuyên ngành hoặc dự liệu, thiết lập biểu mẫu biên bản lấy mẫu (trường hợp văn bản quy định quản lý chuyên ngành không quy định).
Đánh giá tính chất vụ việc để bố trí lực lượng và cơ quan phối hợp
3. Thành phần Đoàn kiểm tra
Tùy theo tính chất vụ việc để bố trí nhân lực phù hợp trong nội bộ cơ quan Quản lý thị trường hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan.
- Trường hợp vụ việc cần lấy mẫu giám định, kiểm nghiệm mà có quy định về điều kiện, tiêu chuẩn người lấy mẫu thì thành phần Đoàn kiểm tra phải có người có đủ điều kiện.
- Vụ việc dự kiến có số lượng hàng hóa vi phạm lớn hoặc nhiều chủng loại, mẫu mã… cần nhiều thời gian để phân loại, kiểm đếm: Bố trí nhiều nhân lực để giảm thời gian kiểm tra thực tế tại địa điểm kiểm tra.
+ Vụ việc dự kiến sẽ phát sinh tình huống phải có đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã thì liên hệ, phối hợp để tham gia thành phần ngay khi xây dựng phương án kiểm tra, hạn chế bị động khi nảy sinh tình huống.
+ Vụ việc dự kiến có khả năng gây mất an ninh trật tự do đối tượng kiểm tra phản ứng, chống đối hoặc cần bố trí nhân lực trông coi, bảo quản hàng hóa, tang vật vi phạm: Liên hệ, phối hợp, bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, trông coi bảo quản tang vật, phương tiện… (cơ quan Công an, tổ chức bảo vệ chuyên nghiệp…).
4. Phương tiện và các điều kiện phục vụ kiểm tra
Tùy theo điều kiện thực tế được trang cấp và yêu cầu nhiệm vụ, trường hợp dự liệu có phát sinh phải dự kiến để có công tác chuẩn bị. Do thiết lập hồ sơ vụ việc phải sử dụng máy tính, máy in và đường truyền internet… nên việc dự liệu tình huống phát sinh với mục tiêu đảm bảo cho các thiết bị này hoạt động bình thường.
Liên hệ với chủ thể quyền xác định tình trạng bảo hộ, phương thức phối hợp trước khi xử lý vi phạm về SHTT
5. Các nội dung cần thiết khác
Ngoài các nội dung bắt buộc phải có, tùy theo tính chất, quy mô của vụ việc, phương án có thể bổ sung các nội dung khác để việc thực hiện kiểm tra được hiệu lực, hiệu quả như:
- Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Đoàn kiểm tra, đặc biệt với các vụ việc dự kiến thời gian kiểm tra kéo dài, khối lượng công việc lớn (nhiều hồ sơ, giấy tờ… hoặc hàng hóa cần kiểm đếm, phân loại, kiểm tra chi tiết có số lượng lớn).
- Chế độ báo cáo kết quả của thành viên Đoàn kiểm tra theo nhiệm vụ được phân công; tổng hợp, báo cáo kết quả của các thành viên; hội ý, đánh giá, thống nhất trước khi lập biên bản kiểm tra.
Đây là nội dung "mở", không mang tính "bắt buộc" nên thường bị "bỏ qua", trong khi trên thực tế có thể hàm chứa nhiều nội dung rất quan trọng khác, đặc biệt với các vụ việc có tính chất phức tạp.