Nhiều điểm mới trong quản lý hoạt động kinh doanh khí
Nghị định gồm 6 Chương với 62 Điều quy định về hoạt động kinh doanh khí (bao gồm khí dầu mỏ hóa lỏng - LPG, khí thiên nhiên hóa lỏng, khí thiên nhiên nén) và điều kiện kinh doanh khí tại thị trường Việt Nam.
HÀNG LOẠT QUY ĐỊNH MỚI THEO HƯỚNG THÔNG THOÁNG, TẠO ĐIỀU KIỆN CHO DOANH NGHIỆP…
Nghị định được xây dựng theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ ngày 16/5/2016 nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; thực hiện chủ trương nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh; bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp. Các quy định về điều kiện kinh doanh rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm gắn với điều kiện, quy định cụ thể và thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Đồng thời, giải quyết một số vấn đề bất cập phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 19/2016/NĐ-CP liên quan đến điều kiện thương nhân đầu mối phải sở hữu các bồn chứa khí và sở hữu chai chứa LPG; điều kiện thương nhân phải sở hữu cầu cảng, sở hữu trạm nạp, sở hữu trạm cấp khí, thiết lập hệ thống phân phối; các quy định về an toàn trong hoạt động kinh doanh khí; các quy định về thủ tục hành chính.
Về tổng thể, Nghị định đã cắt giảm và đơn giản hóa nhiều điều kiện kinh doanh; bãi bỏ các điều kiện về quy mô tối thiểu, quy định bắt buộc phải có hệ thống phân phối, quy định bắt buộc về sở hữu, đồng sở hữu và mở rộng hình thức cho thuê. Phạm vi điều chỉnh được mở rộng, có thêm hoạt động của thương nhân sản xuất, sửa chữa chai LPG và hoạt động kinh doanh của thương nhân sản xuất chai LPG mini. Nghị định bãi bỏ quy định về mô hình phân phối, tổng đại lý, đại lý, Giấy chứng nhận đủ điều kiện của các đơn vị này được tiếp tục sử dụng đến khi hết hiệu lực thì thực hiện theo quy định mới. Một số quy định cụ thể:
Về điều kiện kinh doanh:
Điều kiện đối với thương nhân kinh doanh mua bán khí: Được thành lập theo quy định của pháp luật; có bồn chứa khí đáp ứng các quy định về an toàn hoặc có chai LPG đáp ứng đủ điều kiện lưu thông trên thị trường hoặc có hợp đồng thuê bồn, thuê chai LPG; đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Điều kiện đối với cửa hàng bán lẻ LPG chai: Được thành lập theo quy định của pháp luật; có hợp đồng mua bán LPG chai với thương nhân có giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực tối thiểu 1 năm (trừ trường hợp cửa hàng trực thuộc của thương nhân); đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy.
Điều kiện đối với chai LPG (vỏ bình chưa chứa LPG): Chai LPG trước khi lưu thông trên thị trường phải được kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, chứng nhận hợp quy theo quy định của pháp luật; đáp ứng đầy đủ các quy định về an toàn tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và thực hiện kiểm định định kỳ theo quy định; có đầy đủ hồ sơ, nguồn gốc xuất xứ của nhà sản xuất.
Điều kiện đối với LPG chai, LPG chai mini (đã chứa LPG): Ngoài việc đáp ứng các quy định đối với chai LPG nói chung, khối lượng, chất lượng LPG trong chai phù hợp với nhãn hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng thương nhân đã công bố, được niêm phong đúng quy cách.
Điều kiện kinh doanh dịch vụ vận chuyển khí: Là thương nhân được thành lập theo quy định của pháp luật và có phương tiện vận chuyển khí được phép vận chuyển hàng nguy hiểm theo quy định của pháp luật.
Về cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện và phân cấp cấp Giấy chứng nhận:
Nghị định quy định điều kiện và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với 6 nhóm đối tượng: Thương nhân xuất, nhập khẩu khí; thương nhân kinh doanh mua bán khí; cửa hàng bán lẻ LPG chai; thương nhân sản xuất, sửa chữa chai LPG; thương nhân sản xuất chai LPG mini; thương nhân có trạm nạp khí (nạp vào xe bồn, chai LPG, phương tiện vận tải).
Nghị định chỉ quy định điều kiện và không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với: Thương nhân sản xuất, chế biến khí; thương nhân có trạm cấp khí, trạm nén CNG; thương nhân kinh doanh dịch vụ cho thuê cầu cảng, bồn chứa khí, kinh doanh dịch vụ vận chuyển khí.
Về phân cấp, Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cho thương nhân xuất, nhập khẩu khí; thương nhân sản xuất, sửa chữa chai LPG; thương nhân sản xuất chai LPG mini. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc TW cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cho thương nhân kinh doanh mua bán khí; thương nhân có trạm nạp khí (nạp vào xe bồn, chai LPG, phương tiện vận tải). UBND các huyện, thị xã, thành phố cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cho cửa hàng bán lẻ LPG chai.
Về cấp lại, thu hồi, điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện:
Giấy chứng nhận được cấp lại khi bị mất, có sai sót hoặc hư hỏng trong quá trình sử dụng.
Giấy chứng nhận được điều chỉnh khi có thay đổi về đăng ký kinh doanh, địa điểm kinh doanh, địa điểm trụ sở chính, thông tin liên quan đến thương nhân.
Giấy chứng nhận được thu hồi khi có giả mạo trong hồ sơ đề nghị cấp phép; thương nhân không còn đáp ứng đủ hoặc không thực hiện đúng các điều kiện quy định của Giấy chứng nhận; cho thuê, mượn Giấy chứng nhận; tự ý sửa đổi nội dung Giấy chứng nhận; chấm dứt hoạt động kinh doanh; Giấy chứng nhận được cấp không đúng thẩm quyền; kinh doanh không đúng địa điểm trong Giấy chứng nhận; chiếm giữ trái phép, mua, bán, trao đổi chai LPG không thuộc sở hữu; thay đổi hình dạng, kết cấu, trọng lượng ban đầu của chai LPG trái phép (thay chân đế, cắt quai xách; mài lô gô, thay đổi nhãn hiệu, seri; hàn gắn thêm kim loại; tráo đổi van đầu chai).
Về quyền và nghĩa vụ:
Quyền và của thương nhân được mở rộng hơn, thương nhân được tự lựa chọn quy mô doanh nghiệp, năng lực cũng như tự do thiết lập hệ thống phân phối của mình trên cơ sở điều tiết của thị trường…
Quyền và nghĩa vụ của cửa hàng bán lẻ LPG chai: Không mua, bán LPG chai và chai LPG LPG chai mini không có nguồn gốc xuất xứ, không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường, không phù hợp với hợp đồng; treo biểu hiệu, biểu tượng của thương nhân mà cửa hàng ký hợp đồng bán LPG chai; chỉ được bán LPG chai của thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực theo hợp đồng; không chiếm giữ chai LPG của các thương nhân khác; niêm yết giá bán LPG chai và bán đúng giá niêm yết; chịu trách nhiệm về khối lượng, chất lượng chai LPG bán cho khách hàng; tuân thủ các quy định về an toàn, phòng cháy và chữa cháy; chai LPG khi bán cho khách hàng phải còn nguyên niêm phong, tuyệt đối kín, bảo đảm chất lượng, khối lượng và nhãn đã đăng ký; kiểm tra tình trạng của chai và các thiết bị liên quan trước khi cung cấp cho khách hàng, đảm bảo an toàn, đúng quy định; cung cấp tài liệu hướng dẫn và hướng dẫn trực tiếp các thông tin cần thiết về sản phẩm, biện pháp an toàn khi sử dụng LPG và biện pháp ngăn ngừa, khắc phục sự cố; theo dõi chai LPG bán tại cửa hàng; chủ cửa hàng, nhân viên làm việc tại cửa hàng phải được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy và chữa cháy; tuân thủ các quy định về quản lý an toàn, phòng cháy và chữa cháy, quản lý đo lường, chất lượng.
Về an toàn đối với cơ sở kinh doanh khí:
Quy định chung: Thương nhân sản xuất, chế biến; thương nhân xuất, nhập khẩu; thương nhân kinh doanh mua bán khí; thương nhân sản xuất, sửa chữa chai LPG, chai LPG mini; trạm nạp, trạm cấp, trạm nén khí; thương nhân kinh doanh dịch vụ cho thuê bồn, kho chứa LPG chai, kinh doanh dịch vụ cho thuê phương tiện vận tải phải xây dựng chương trình quản lý an toàn, báo cáo đánh giá rủi ro và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp trình cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
An toàn đối với cửa hàng bán lẻ LPG chai: Có diện tích tối thiểu 12 m2; cách ly với các nguồn gây cháy ít nhất 03 m nếu không có tường chịu lửa (có tường chịu lửa thì không yêu cầu khoảng cách); thiết bị điện của cửa hàng phải là loại phòng nổ, cách chai LPG tối thiểu 1,5 m; chỉ được phép trưng bày trên giá quảng cáo những chai không chứa LPG. Nơi chứa chai LPG phải bảo đảm thông thoáng, không được bố trí trong phòng kín, hầm kín, không được cất giữ chai LPG ở khu vực cửa ra vào, lối đi công cộng. Trường hợp có kho chứa LPG chai thì kho phải có ít nhất 01 cửa chính và 01 lối thoát dự phòng; không được tiến hành sửa chữa chai, nạp LPG tại cửa hàng….
An toàn trong vận chuyển, giao nhận LPG chai tới khách hàng: Trường hợp xe gắn máy (hai bánh) vận chuyển LPG chai phải có giá đỡ chắc chắn, chai phải luôn ở vị trí thẳng đứng, van chai hướng lên trên. Khi cung cấp LPG chai cho khách hàng sử dụng, cửa hàng LPG phải cung cấp cho khách hàng 01 bản phiếu giao hàng và có 01 bản lưu tại cửa hàng, trong đó phải có các thông tin tối thiểu: chủ sở hữu, loại chai, số sê ri chai, hạn kiểm định trên chai, nơi nhập chai chứa cho cửa hàng, tên và địa chỉ khách hàng sử dụng, ngày giao chai cho khách hàng, tên, địa chỉ và điện thoại liên hệ của cửa hàng….
CÒN KHÔNG ÍT TRĂN TRỞ…
Tại Hội nghị triển khai Nghị định 87/2018/NĐ-CP do Bộ Công Thương tổ chức, đại diện Hiệp hội Gas (VIETGAS) và một số doanh nghiệp kinh doanh khí đã ghi nhận và đánh giá cao những nội dung mới, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng cũng bày tỏ ít băn khoăn, trăn trở trước những thay đổi khá nhanh, khá nhiều trong lĩnh vực này nói chung và quy định tại Nghị định nói riêng. Năm 2009 là Nghị định 107/2009/NĐ-CP, đến giữa năm 2016 là Nghị định 19/2016/NĐ-CP và chỉ sau hơn 2 năm, nửa cuối năm 2018 đã được thay bằng Nghị định 87/2018/NĐ-CP. Việc thay đổi chính sách quản lý liên tục trong thời gian ngắn khiến không chỉ các doanh nghiệp, mà ngay cả cơ quan quản lý các sở ngành địa phương rơi vào tình cảnh bị động, "chạy theo chính sách".
Bên cạnh đó, theo ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp tại Hội nghị, việc phát sinh tới 3 loại hình thương nhân xuất nhập khẩu khí, bao gồm thương nhân nhân xuất, nhập khẩu khí dạng rời; thương nhân xuất, nhập khẩu LPG kinh doanh LPG chai và thương nhân xuất, nhập khẩu kinh doanh khí qua đường ống sẽ gây ra nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị định.
Đối với cửa hàng bán lẻ LPG, Hiệp hội Gas và các doanh nghiệp lo ngại dễ phát sinh việc mua bán LPG chai lòng vòng, không thể kiểm soát được chất lượng, giá bán và tính an toàn của chai LPG lưu thông trên thị trường trong bối cảnh trên thị trường kinh doanh LPG gần đây liên tục xảy ra các vụ việc liên quan đến hành vi chiếm dụng, cắt tai, mài vỏ chai LPG, chai LPG không có nhãn hiệu hàng hóa, chai LPG không đáp ứng an toàn kỹ thuật, gây mất an toàn, ảnh hưởng đến tính mạng người tiêu dùng, làm thiệt hại kinh tế của các thương nhân đầu tư kinh doanh chân chính, bài bản.
Hơn nữa, Nghị định cho phép thương nhân kinh doanh LPG được thuê chai LPG nhưng không quy định chai LPG phải đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thị trường LPG khi xảy ra sự cố mất an toàn, cháy nổ sẽ không có căn cứ truy cứu trách nhiệm cụ thể đến từng thương nhân, không gắn và truy trách nhiệm cuối cùng của thương nhân đối với chai LPG do mình cung cấp, cho thuê.
Đối với quy định việc lập sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi chai LPG bán ra sẽ lãng phí nguồn lực lớn của doanh nghiệp trong khi các thương nhân kinh doanh LPG chủ yếu là các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa không có đủ con người và trình độ để thực hiện quy định này./.